Elden Ring – Đánh Giá Game

PHAM VAN CUONG

Elden Ring – Nếu ví ngành công nghiệp game “tỷ đô” là một dải Ngân hà, thì không hiếm khi ta được chứng kiến các vì tân tinh vụt sáng tạo nên những thương hiệu đình đám bùng nổ khắp toàn cầu, hay thậm chí còn trở thành biểu tượng của văn hóa đại chúng. 

Những hiện tượng đó vốn đã rất hiếm, ấy vậy mà từ một hãng game ít tên tuổi, FromSoftware cùng vị đạo diễn tài ba Hidetaka Miyazaki đã không chỉ nhào nặn nên một tượng đài mang tên Dark Souls, mà còn góp phần tái định hình xu hướng phát triển game hiện đại và khai sinh ra một thể loại game hoàn toàn mới có tên gọi đặc trưng: “Souls-like”.

Dark Souls, ra mắt đã tròn 10 năm và được vinh danh là tựa game xuất sắc nhất mọi thời đại tại giải thưởng Golden Joysticks. Kéo theo đó là sự ra đời của hằng hà sa số những cái tên “ăn theo” từ các đội ngũ phát triển độc lập (indie) cho tới cả các ông lớn chuyên làm game “bom tấn”. 

Suốt nhiều năm qua, dường như một số tựa game khi ra mắt được “cộp mác” Souls-like để gây sự chú ý đã không còn là điều gì mới. Nhưng những gì tinh túy và đặc trưng nhất của dòng Souls hay thậm chí là các tựa game khác của FromSoftware gần đây như Bloodborne  Sekiro vẫn khó mà lẫn đi đâu được. 

Năm 2017, khi Miyazaki tuyên bố Dark Souls 3 sẽ là phiên bản cuối cùng của loạt game Souls, rất nhiều fan hâm mộ đã bày tỏ sự tiếc nuối. Nhưng họ không phải chờ lâu vì tại kỳ triển lãm thường niên E3 năm 2019, Elden Ring chính thức được công bố, một tựa game tham vọng nhất của FromSoftware khi lần đầu tiên họ mang tới một thế giới game hoàn toàn mở (open world). 

Chưa kể, nhà văn trứ danh George R.R Martin (tác giả bộ truyện A Song of Ice and Fire, được HBO dựng thành bộ phim truyền hình nổi tiếng: Game of Thrones) còn tham gia xây dựng và khắc họa thế giới trong game.

Sự xuất hiện của Elden Ring khi ấy quả thật như một “quả bom nguyên tử” thổi tung mọi cái tên khác trên thị trường, càn lướt khắp mặt trận truyền thông.

“Dư chấn” của nó lớn mạnh đến mức liên tục được xướng tên ở các sự kiện game tiếp theo và hai năm liên tiếp “ẵm” luôn giải thưởng “Tựa game được mong chờ nhất” tại các kỳ trao giải The Game Awards danh giá.

Thậm chí năm ngoái, Elden Ring còn vượt mặt Dying Light 2 để thành tựa game được Wishlist nhiều nhất lịch sử nền tảng Steam.

Vậy liệu Elden Ring có thực sự đáp ứng được kỳ vọng cực lớn của người hâm mộ. Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết này nhé! 

BẠN SẼ THÍCH

Thế giới tuyệt mỹ!

Để miêu tả thế giới The Lands Between trong Elden Ring, người viết chỉ có thể thốt lên: lộng lẫy và choáng ngợp!

Không chỉ rộng lớn với nhiều gam màu rực rỡ ấn tượng cùng các mảng địa hình, sinh thực vật đa dạng  Elden Ring còn mang đến một không gian mở hoàn toàn đúng nghĩa khi người chơi có thể tự do chu du khám phá tới tận “cùng trời cuối đất” mà không hề gặp rào cản hay phải tuân theo lộ trình cố định nào cả. 

Và FromSoftware cũng lần đầu mang tới một môi trường động (dynamic), với chu kỳ sáng tối và thời tiết thay đổi liên tục.

Yếu tố này còn ảnh hưởng đến cả lối chơi, tương tự The Witcher 3, ví như một số loại yêu quái hay con trùm chỉ xuất hiện vào ban đêm và ngược lại.   

Bản đồ game rộng nhưng cũng không hề “rỗng” với hằng hà vô số bí mật, phần thưởng và yếu tố bất ngờ luôn trực chờ người chơi khám phá. 

Từ các NPC bí ẩn cùng chuỗi nhiệm vụ phụ hấp dẫn, các con trùm đặc biệt khó “xơi” cho tới hàng tá các loại nguyên vật liệu khác nhau có thể gom nhặt được để đáp ứng cho một hệ thống chế (craft) đồ hoàn toàn mới.

thế giới The Lands Between trong Elden Ring, người viết chỉ có thể thốt lên: lộng lẫy và choáng ngợp!

Cộng thêm cảm giác phấn khích, hồi hộp tới mức nghẹt thở mỗi khi đặt chân đến một vùng đất mới với bao hiểm nguy rình rập đã tạo nên một không khí rất riêng, không thể lẫn đi đâu được của FromSoftware.

Có thể nói, sự phóng khoáng trong lối chơi và thế giới mở được xây dựng tỉ mỉ, chi tiết của Elden Ring là không hề thua kém những tên tuổi “huyền thoại” như The Legend of Zelda: Breath of the Wild hay Skyrim


Dễ dàng tiếp cận hơn

Nếu nguyên nhân chính khiến dòng Souls “kén” người chơi là độ khó đến mức… phũ phàng thì Elden Ring đã có rất nhiều cải tiến để phù hợp với số đông đại chúng hơn.

Điển hình như người chơi nay có thêm chú chiến mã Torrent đồng hành với tốc độ siêu phàm và khả năng nhảy đúp (double jump) cực kỳ hữu ích, có thể dễ dàng khai thác kẽ hở của đối phương hoặc tẩu thoát khi cần thiết.   

Ngoài ra là hệ thống triệu hồi (Spirit Summon) linh thú hoàn toàn mới rất hữu dụng và đa dạng mà bất kỳ lớp nhân vật nào cũng có thể sử dụng được ngay từ đầu game. 

Tính năng chơi mạng (multiplayer) cũng được tinh chỉnh để các người chơi khác có thể dễ dàng tham gia hỗ trợ và ứng cứu.  

Khả năng di chuyển của nhân vật cũng linh hoạt hơn và cơ chế lén lút (stealth) theo phong cách nhẫn giả của Sekiro cũng được mang qua Elden Ring giúp người chơi có nhiều lựa chọn hơn để tiếp cận mục tiêu. 

Một vấn đề vốn “nhức nhối” của Dark Souls là các điểm lưu tạm (checkpoint) tới khu vực của trùm thường khá xa, đường đi nhập nhằng thì nay ngoài các điểm Lost Grace (thay thế cho Bonfire), Elden Ring còn bổ sung các bức tượng Marika nằm rải rác ở các vị trí trọng điểm được dùng để làm điểm hồi sinh.  

Và thay đổi lớn nhất theo người viết chính là ở tấm bản đồ ấn tượng mà game mang lại. Nếu như trước đây bất kì ai cũng sẽ có những lúc đau đầu vì mắc kẹt trước một thử thách nào đó thì giờ đây ta có thể dễ dàng dịch chuyển tới những khu vực khác để “cày” điểm kinh nghiệm, thăng cấp hay nâng cấp vũ khí và chỉ trở lại khi đã sẵn sàng. 

thay đổi lớn nhất theo người viết chính là ở tấm bản đồ ấn tượng mà game mang lại

Nói thế không có nghĩa là độ khó của Elden Ring bị thuyên giảm. Mà trái lại theo người viết, “đặc sản” của FromSoftware còn có phần “chua” hơn trước.

Từ khó khăn ở những cung đường có không gian hẹp, các vùng đầm lầy độc tố nhiều cạm bẫy, các kẻ thù “khó nhằn” cho đến những cuộc chạm trán vô tiền khoáng hậu với các con trùm đáng sợ chắc chắn sẽ làm hài lòng cả những fan hâm mộ gạo cội nhất của dòng game Souls.      


Một bản sắc riêng nhưng vẫn chất “Souls”

Nội dung của Elden Ring độc lập và không có mối liên kết nào với loạt game Dark Souls.

Điều này đúng với tiêu chí của đạo diễn Miyazaki khi ông mong muốn người chơi sẽ có những trải nghiệm hoàn toàn mới mà không bị phụ thuộc vào cái bóng quá lớn của dòng Souls. 

Cách dẫn truyện của game cũng rất mập mờ ví như một bức tranh với vô vàn mảnh ghép mà muốn nhìn thấu được toàn cảnh, người chơi phải tinh ý lồng ghép xâu chuỗi lại từ lời thoại của các nhân vật NPC với các sự kiện chính, hay thậm chí là phải săm soi từng câu chữ trong phần miêu tả các vật dụng trong game.

Tuy thế, không khó để tìm thấy “gen” kế thừa của dòng game Souls trong Elden Ring

Elden Ring

Từ cách dẫn dắt người chơi bước chân vào một bối cảnh Trung cổ đậm chất huyễn tưởng (fantasy) với sự xuất hiện của các vị cổ thần hay cuộc giao tranh khốc liệt với những sinh vật huyền bí hùng mạnh như rồng, phù thủy và yêu quái. 

Cho tới mười lớp nhân vật khởi tạo có cả mới lẫn cũ, với những cái tên khá lạ lẫm như Confessor hay Vagabond.

Mỗi lớp sẽ có các chỉ số (stats) và trang bị đặc trưng ngay từ đầu như Samurai sẽ có sẵn bộ giáp võ sĩ đạo và thanh kiếm Nhật Uchigatana quen thuộc. 

Elden Ring

Pháp thuật cũng chia ra hai trường phái là Sorceries và Incantations, sử dụng tuần tự gậy phép (staff) hoặc phong ấn (sacred seal). Người chơi vẫn cần mua hoặc thu thập các sách dạy phép, gắn vào ô nhớ (Memory Slot) để trang bị chiêu phép mới cho nhân vật.  

Khác biệt lớn nhất của Elden Ring so với dòng game Souls nằm ở cơ chế “Ashes of War”. Thông qua hệ thống này, người chơi có thể thoải mái hoán đổi kỹ năng (Skill) đặc trưng cho bất kỳ món binh khí phổ thông nào (trừ những loại độc nhất Unique) và còn có thể thay đổi thuộc tính (affinity) của chúng, thay vì phải dùng tới các viên đá Infusion tại thợ rèn như trước.  

Khác biệt lớn nhất của Elden Ring so với dòng game Souls nằm ở cơ chế “Ashes of War”

BẠN SẼ GHÉT

Elden Ring

Hiệu năng chưa tối ưu tốt!

Dẫu biết lần đầu xây dựng một thế giới khổng lồ hoành tráng như The Lands Between là áp lực rất lớn với FromSoftware, nhưng người viết vẫn cảm thấy hụt hẫng khi chất lượng đồ họa và các hiệu ứng của Elden Ring thật sự không khác biệt nhiều so với các tựa game tiền nhiệm. 

Thậm chí, nếu so sánh với bản làm lại Demon’s Souls của đội ngũ BluePoint từ hai năm trước thì Elden Ring còn có phần tỏ ra lép vế.

Elden Ring

Ở phiên bản 1.02, Elden Ring vẫn chưa thể tối ưu tốt cho PC lẫn các hệ máy console khi với mức thiết lập ưu tiên hiệu năng (prioritize framerate) trên PS5 mà game vẫn không thể “trụ” nổi ở mức 60 khung hình, và thường tỏ ra rất “đuối” ở nhiều khu vực ngoài thế giới mở! 

Người viết cũng gặp một số lỗi vặt (bug) như nhân vật bị mắc kẹt trên lưng ngựa hay vật phẩm lơ lửng trên không. Hy vọng FromSoftware sẽ sớm khắc phục trong các bản vá (patch) sắp tới.

Và một lỗi nghiêm trọng (nhưng có lẽ hiếm người gặp phải) mà người viết đụng mặt khi trải nghiệm game trên PS5: mất dữ liệu lưu game (savegame) khi để máy ở chế độ “ngủ” (sleep mode).

game vẫn không thể “trụ” nổi ở mức 60 khung hình, và thường tỏ ra rất “đuối” ở nhiều khu vực ngoài thế giới mở

    Để lại một bình luận

    Xin lưu ý, bình luận phải được phê duyệt trước khi chúng được xuất bản.