Đánh giá chi tiết Meta Quest 3 sau khi trải nghiệm thực tế

Hi-Tech Vietnam NARAK

ĐÁNH GIÁ CHI TIẾT META QUEST 3 SAU 02 NGÀY TRẢI NGHIỆM


Ngày 13/10/2023, 09:00 am, chiếc Meta Quest 3 đầu tiên chính thức cập bến Vrtech. Sau 02 ngày sử dụng, mình khẳng định luôn, Meta Quest 3 chính là kính thực tế ảo độc lập, hướng tới người dùng cá nhân tốt nhất thời điểm hiện tại. Với thiết kế mỏng hơn, màn hình sắc nét hơn, bộ xử lý mạnh mẽ hơn, khả năng truyền tải đầy đủ màu sắc để chơi game thực tế hỗn hợp và bộ điều khiển tốt hơn, Quest 3 rõ ràng là một chiếc kính vr vượt trội khi so sánh với “bố của nó”, Meta Quest 2 ra mắt năm 2020.

Tuy nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Quest 3 có giá 499 USD cho model 128GB và 649 USD cho model 512GB. Trong khi đó, Quest 2 có giá khởi điểm chỉ $299 cho mẫu 128GB, và đối với những bạn mới sử dụng VR, những bạn chưa muốn “chơi khô máu”, đây vẫn là một lựa chọn tuyệt vời. Còn với những bạn không quá cân đong đo đếm về tài chính, Quest 3 đúng là “đắt xắt ra miếng”.

Meta Quest 3 – Hình ảnh thực tế

đánh giá meta quest 3 1.png

Meta Quest 3 – Thiết kế và tính năng

Cảm nhận đầu tiên của mình khi cầm chiếc hộp Meta Quest 3 trên tay là trông nó khá nhỏ và đơn giản. Tuy nhiên, mình cũng chẳng bận tâm lắm, chẳng việc gì phải tốn thêm tiền cho một thứ chỉ để bỏ xó. Bên trong hộp, các ngăn chứa được phân định rõ ràng, bạn sẽ có một chiếc kính Meta Quest 3; 02 Remote Controllers với dây đeo cổ tay và pin AA được cài đặt sẵn; củ nguồn 18W và cáp sạc USB Type-C.

Meta tuyên bố rằng Quest 3 mỏng hơn Quest 2 tới 40%, nhưng quan sát kỹ thì mình thấy rằng sự so sánh này hình như đã loại trừ phần khung tiếp giáp khuôn mặt Quest 3 dày hơn. So sánh trọng lượng của Quest 3 so với Quest 2, mình đã cân thử và Quest 3 (không có dây đeo) nặng khoảng 459 gram, nặng hơn 3 gram so với Quest 2 (không có dây đeo).

Về mặt thiết kế, Quest 3 có thiết kế công thái học hơn Quest 2. Khi mình chơi game vr thời gian dài với Quest 2, mình thường cảm thấy không thoải mái vì điểm tì lực của Quest 2 ép vào thái dương và má. Còn với Quest 3, mình có cảm giác nhẹ hơn về phía trước. Dây đeo có vẻ đã được thiết kế lại để dễ điều chỉnh hơn và giữ tai nghe ở đúng vị trí mà không tạo quá nhiều áp lực lên khuôn mặt. Tuy nhiên, nếu bạn chơi những game vr cần vận động mạnh và nhanh, mình nghĩ trang bị thêm một chiếc Strap luôn là sự lựa chọn cần thiết.

CBzuS4G.png

Kiểm tra về tính năng chỉnh khoản cách 2 mắt (IPD), mình thấy Quest 3 ngon hơn Quest 2 do bộ phận này đã được thiết kế lại hoàn toàn. Trên Quest 2, bạn dùng tay kéo thấu kính sang 2 bên hoặc vào giữa, mỗi lần kéo các khớp nó kêu “…ặc, …ặc, …ặc”, âm thanh rất chi là nhạy cảm. Bên cạnh đó IPD trên Quest 2 cũng chỉ có chỉnh được chết theo 03 nấc (58mm, 63mm và 68mm), một số bạn sẽ cảm thấy chỉnh ra thì thừa, chỉnh vào thì thiếu, nhìn hình ảnh lé xẹ thật là khó chịu. Tuy nhiên nút chỉnh IPD trên Quest 3 có khả năng điều chỉnh IPD liên tục, trong phạm vi từ 58mm đến 70mm, mình có thể dễ dàng thao tác bằng cách xoay nút nhỏ ở phía dưới bên trái kính vr.

z4782349959942-4e04d7e6b2455acb3b720b6ee655ea8c.jpg

Điểm mới về thiết kế Quest 3 mình thấy rất hay, đó là điều chỉnh được khoảng cách giữa khuôn mặt và thấu kính. Bên trong khoang kính, mình thấy có 2 nút 2 bên, mình ấn và đó và có thể kéo phần khung tiếp giáp khuôn mặt ra xa hoặc gần lại với thấu kính. Việc điều chỉnh này mình thấy có 2 tác dụng rất lớn, thứ nhất là mình có thể chỉnh được góc nhìn hình ảnh hẹp hoặc rộng, thứ hai là tăng không gian trong khoang kính để mình có thể đeo kèm kính cận một cách dễ dàng mà không sợ tròng kính ma sát vào thấu kính gây trầy xước. Tuy nhiên theo mình, gọng lắp tròng cận cho Meta Quest 3 là sự lựa chọn hoàn hảo để mang tới những trải nghiệm thoải mái nhất cho những ai bị cận.

Phần khung tiếp giáp với khuôn mặt mình thấy có vẻ như Quest 3 làm cong hơn và ôm hơn. Tuy nhiên, với mấy đứa mũi tẹt như mình, có hiện tượng ánh sáng tràn vào từ sống mũi gây mất tập trung khi sử dụng, đặc biệt khó chịu khi chơi các nội dung cần phải tập trung để tận hưởng hết cái cảm giác “kimochi”. Có lẽ mình sẽ phải sử dụng phụ kiện chắn sáng để khắc phụ triệt để vấn đề này, tuy nhiên che kín quá thì bí và bị đọng sương trên thấu kính, miếng chắn sáng sống mũi kết hợp với quạt thông gió là combo tối ưu cho trường hợp này.

vlcsnap-2023-10-06-16h57m35s202-1696796713522.png
Phần đệm tiếp xúc khuôn mặt trên Quest 3 được lót bằng một lớp đệm xốp bọc vải lưới bên ngoài. Mặc dù mình thấy rất êm ái, thoải mái và thấm hút mồ hôi tốt nhưng về lâu về dài sẽ khá hôi và mất vệ sinh. Đó là vì phần đệm của Quest 3 không thể tháo rời và đem đi giặt như Quest 2 được, theo mình về lâu dài thì nên mua lớp bọc silicon để bọc lại phần đệm này.

Theo Meta, Quest 3 có màn hình LCD kép 2064x2208, mật độ điểm ảnh cao hơn 30% so với Quest 2. Thực tế mình thấy, Quest 3 nó rõ nét vãi hết cả ra các bạn ạ. Khi quan sát các ký tự văn bản như bảng điều khiển, menu và trình duyệt ảo trong trò chơi cũng như với các trò chơi đòi hỏi độ chi tiết hình ảnh cao như Microsoft Flight Simulator (khi chơi với PC) mình cảm thấy rất chi là ổn áp. Nhìn chung, mấy thể loại Quest 1 & 2 không có cửa, kể cả Quest Pro cũng chào thua luôn. Với mình, bên cạnh Pico 4, Quest 3 hiện là 1 trong những kính vr độc lập có độ rõ nét xuất sắc.

Một điểm mới và rất đang tiền trên Quest 3 là thấu kính Pancake. Thấu kính này khắc phục hoàn toàn nhược điểm của thấu kính Fresnel trên Quest 2. Với Quest 2, phần trung tâm của khung hình thường rõ và sắc nét hơn các cạnh, cần căn chỉnh thật kỹ khi đeo để lấy nét. Nhưng may vãi linh hồn ra các bạn ạ, Quest 3 lại sử dụng các thấu kính Pancake tương tự Quest Pro. Thấu kính Pancake mỏng hơn, nguyên lý quang học cho độ rõ nét đồng đều trên từng cạnh và ít chói hơn. Kết hợp với những cải tiến khác như góc nhìn (FOV) 110 độ, rộng hơn so với 90 độ của Quest 2, và hỗ trợ tần số quét lên tới 120Hz ngay khi ra mắt. Khi mình chơi các trò chơi chuyển động nhanh như Beat Saber, Pistol Whip … khả năng chơi ở tốc độ khung hình cao hơn, độ sắc nét tốt hơn thực sự mang lại những trải nghiệm chân thực, vô cùng sống động.

z4782349935863-57ee4e14ba766d7e6effed4aa23f3d7f.jpg

Loa trên Quest 3 theo mình thấy nó cũng tương tự như Quest 2, nghĩa là chất lượng đạt tới tầm “chống điếc” và vị trí loa nằm cách xa tai bạn, nếu để ý người ngoài vẫn có thể nghe thấy, cảm nhận được những nội dung mà bạn đang chơi. Vì vậy, khi bạn trải nghiệm các nội dung “kimochi” tại nơi đông người (bạn “bệnh” lắm rồi đấy), bạn nên chú ý tắt tiếng nếu không muốn trở thành người nổi tiếng. Thông thường khi dùng kèm Quest 2, mình sẽ sử dụng kèm tai nghe mini Jack 3.5mm để có chất lượng âm thanh tốt hơn và kín đáo hơn.

“Meta Quest 3 xả & sạc đầy pin mất khoảng 2 giờ”


Trong 02 ngày thử nghiệm, mình đã xả hết và sạc pin Meta Quest 3 nhiều lần và thấy thời gian sạc đầy từ khoảng 1 giờ 58 phút cho tới 2 giờ 12 phút, như vậy trung bình là khoảng 2 giờ cho mỗi lần sử dụng và sạc đầy. Đó không phải là một khoảng thời gian quá ngắn nhưng cũng không quá dài, nếu sử dụng Meta Quest 3 để chạy sự kiện, mình nghĩ nên trang bị thêm bộ Strap kèm pin như Bobo VR M3 Pro hoặc của các thương hiệu khác để tăng thời gian sử dụng mỗi lần.

Meta Quest 3 – Chơi game và Hiệu suất

Meta Quest 3 là một chiếc kính vr vừa có thể chạy độc lập vừa có thể sử dụng kết hợp chơi game vr trên PC. Mình đã thử nghiệm với các game của mình như Beat Saber, Pistol Whip, Creed hay nặng hơn là Medal Of Hornor. Tất cả đều hoàn hảo, hình ảnh rõ nét, không bị giảm tốc độ khung hình gây giật lag.


z4782349988388-9af05d511d8b7d4eb92e37a5f92ee705.jpg

Quest 3 được trang bị chip Snapdragon XR2 Gen 2 mạnh hơn tới 50% so với chip Quest 2, nhưng các trò chơi đã phát hành cho Quest 1 & 2 sẽ chưa thể tăng chất lượng hình ảnh ngay mà còn tùy thuộc nhà phát hành có thực hiện các bản cập nhật để tối ưu chất lượng hình ảnh cho Quest 3 hay không. Mình đã chơi thử Red Matter 2 (đã phát hành bản nâng cấp cho Quest 3) trên cả Quest 3 & 2 và thấy sự khác biệt rất rõ ràng. Quest 3 mang tới cho Red Matter 2 một vẻ bóng bẩy hơn bao giờ hết. Các đối tượng trong game, từ trạm vũ trụ đến tất cả các thiết bị, trông sắc nét và chi tiết hơn nhiều. Khi mình bước tới gần chúng, các hiệu ứng đổ bóng động đã làm tăng thêm mức độ chân thực. Trải nghiệm Red Matter 2 là minh chứng cho sức mạnh tới từ con chip Snapdragon XR2 Gen 2 của Quest 3, hy vong các nhà phát triển sẽ sớm cập nhật các phiên bản game mới khai thác được hết sức mạnh của con chip này.

Quest 3 tương thích với hơn 500 trò chơi đã có sẵn cho Quest 2 & 1, tất cả các game mình đã mua trên tài khoản đều cho thể cài đặt và chơi dễ dàng, nhìn chung không phải mua lại bất cứ game nào đã từng mua. Nhìn sang cái thằng “bẹn thâm” của mình nó chơi PS VR2 phải khổ sở về vấn đề tương thích ngược giữa các phiên bản thì mới thấy hệ sinh thái Meta Quest là một sự lựa chọn tuyệt vời.

Tuy nhiên, theo mình Meta vẫn nên đầu tư vào việc phát triển một số Game VR chuyên biệt khai thác hết các điểm mạnh trên Quest 3. Dẫu biết khả năng tương thích ngược điểm mạnh, nhưng dù sao khi mình dùng bỏ ra hơn 500$ để “xúc” em nó về, mình vẫn muốn có được những thứ rất gì và này nọ so với “bố của nó”, Meta Quest 2. Để ý kỹ trên kho ứng dụng của Meta Quest, sẽ có một danh mục trò chơi được chứng nhận là “better on Quest 3” (tốt hơn trong Quest 3), tức là các Game VR đã được cập nhật tối ưu cho phần cứng của Quest 3, thôi cũng tạm tạm, làm người không nên quá tham lam.

Ảnh chụp màn hình Assassin's Creed Nexus VR

meta quest 3 22.png

Theo mình biết, có một số trò chơi nổi bật cho Quest 3 sẽ ra mắt vào cuối năm nay: Assassin's Creed Nexus VR sẽ ra mắt vào ngày 16 tháng 11 và Asgard's Wrath 2 sẽ được phát hành vào ngày 15 tháng 12. Anh em cùng hóng nhé.

Quest 3 thì cũng như Quest 2, kết nối với PC để chơi Game VR trên PC thông qua cáp Oculus Link hoặc không dây thông qua AirLink (sử dụng bộ phát Wi-fi chuẩn 6 để đạt được trải nghiệm tốt nhất). Game VR trên PC luôn thuộc đẳng cấp hoàn toàn khác so với các game chỉ chơi độc lập, thông thường hình ảnh sẽ chau chuốt hơn, chi tiết hơn và nội dung sẽ sâu hơn. Một số tựa game vr trên PC bạn nên chơi như: Half-Life: Alyx và Microsoft Flight Simulator.

z4782349897747-c72e3afd3eaaa08bc6dd2e2ebfc3e960.jpg

Quan sát mặt trước, mình thấy điểm mới của Quest 3 là hai camera 4MP RGB và cảm biến độ sâu được tích hợp theo cụm Camera cho phép thực hiện tính năng Passthrough đầy đủ màu sắc, đây là điểm mới cực hữu dụng trên Quest 3 để sử dụng cho các ứng dụng hoặc trò chơi hỗn hợp thực tế ảo và thực tế tăng cường. So với Camera “chống mù” của Quest 2 thì Quest 3 ở một đẳng cấp hoàn toàn “khác bọt”. Mình đã sử dụng thử trong điều kiện ánh sáng tốt, hình ảnh sáng và rõ nét, màu sắc chính xác, chân thực. Thử đọc văn bản, đọc tin nhắn, nhắn tin, lướt web trên máy tính thông qua chế độ Passthrough, mình thấy về cơ bản là làm được mặc dù độ phân giải ở chế độ này vẫn chưa được như ở chế độ VR nhưng như thế là quá ổn áp rồi.

38974649-625263236433211-2024220300567238597-n.jpg

Tuy nhiên, hiện tại mình chưa thấy có nhiều trò chơi sử dụng tính năng kết hợp giữa thực tế ảo và thực tế tăng cường trên kho của Meta Quest. Khi chơi thử First Encounters, mình đã có trải nghiệm bất ngờ và vô cùng thú vị. Những sinh vật giống như những con bọ đầy màu sắc lao ra khỏi tường và trần nhà của mình và nhiệm vụ của mình là phải bắt tất cả chúng. Đây thực chất giống một bản demo công nghệ hơn là một trò chơi thực tế, nhưng quá đó mình có thể nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ các nội dung dạng này. Meta Quest 3 đã nhận diện rất xuất sắc đồ đạc trong căn phòng mà mình đang chơi, cho phép những con bọ nhảy từa tung trên đồ đạc của mình, các vết nứt trên tường thì trông giống như những cánh cổng dẫn vào một không gian khác và con tàu tên lửa trông như thật với những vết cháy sém trên bề mặt mà nó đáp xuống. Trước đây mình không thích những trò chơi AR, bởi vì chưa có thiết bị nào kết hợp giữa AR và VR một cách mượt mà không giật lag, tuy nhiên với Quest 3 thì khác, mình khoái rồi đấy. Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn đang ở trong căn phòng của bạn, nằm trên chiếc giường của bạn và ba chấm.

Một điểm đáng tiền nữa trên Quest 3, đó là bộ điều khiển Touch Plus mới. Remote Controllers của Quest 3 đã loại bỏ các vòng cảm biến cồng kềnh thường thấy trên các phiên bản trước. Vòng cảm biến là bộ phận mỏng manh, rất dễ hỏng khi bị rơi hoặc va đập, việc loại bỏ mình thấy là lựa chọn chính xác đến từ Meta. Mất đi cái vòng, Controller Quest 3 chỉ nặng có 104 gram mỗi chiếc (không pin), nhẹ hơn hầu hết các loại Remote Controllers của các kính vr khác như Controller Quest 2 nặng 128 gram, Controller PSVR 2 nặng 168 gam, Controller Valve Index nặng 196 gam và Controller HTC Vive nặng hơn 200 gam.

z4782349899334-1eb3c4d782e22b2856844033024feaec.jpg

Có thể một số bạn sẽ thắc mắc khi bỏ vòng cảm biến như vậy thì tracking trên Quest 3 có cùi hơn trên Quest 2 không ? Câu trả lời là không. Mình đã thử nghiệm với Beat Saber, một trò chơi rất cần tới độ nhạy của Controllers, kết quả cho thấy Touch Plus mang lại trải nghiệm thậm chí còn tốt hơn so với “bố của nó”. Với Quest 2, khi bạn cao hứng đưa tay lên quá cao hoặc ra đằng sau, kính vr sẽ không thể tracking được Controllers, còn với Quest 3 thì bạn cho tay vào trong quần kính vr cũng sẽ biết bạn đang làm cái gì.

z4782349857329-a2362f93963bd045db635cd94df11e19.jpg

Giống bộ Controllers của Quest 2, Controllers của Quest 3 vẫn trang bị kèm pin AA khi trong bộ sản phẩm. Để thay pin, trên Controller Quest 3 có nút nhấn, nhấn một phát là phọt nắp pin ra, vô cùng tiện lợi chứ không cần phải trà trà, miết miết như Quest 2 cùi bắp. Pin AA rời theo mình là một điểm rất hay của Meta, hết pin thì bạn thay, rất đơn giản. Nhiều bạn cứ thắc mắc là sao ko trang bị pin sạc, pin sạc mà nó chai pin thì thay thế không hề đơn giản chút nào.

Nguồn : Tinhte.vn

    Để lại một bình luận

    Xin lưu ý, bình luận phải được phê duyệt trước khi chúng được xuất bản.